Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Hãy khám phá những điều làm nên tính cách của một đứa trẻ từ khi ra đời đến khi trưởng thành

Sự hình thành tính cách của một đứa trẻ

Đăng bởi Đặng Hà Vân

Sự thật là các bậc cha mẹ không thể quyết định được tính cách của đứa trẻ mình sinh ra, nhưng không có nghĩa là bố mẹ chẳng thể làm gì với tính cách của con. Thiên hướng tính cách bẩm sinh của bé chỉ là một phần cá tính của bé sau này, một phần quan trọng khác chính là cách bố mẹ phản ứng và xử sự với những tính cách thiên bẩm của con. Theo các nhà nghiên cứu, cá tính của một đứa trẻ được cấu thành từ 9 đặc điểm tính cách được kế thừa. Các đặc điểm này kết hợp theo những mức độ khác nhau ở mỗi đứa trẻ và quyết định bé yêu của bạn sẽ thuộc nhóm tính cách nào trong ba nhóm: dễ chịu, chậm hòa nhập, và khó chiều. Nhưng đừng hoang tưởng! Việc thay đổi tính cách bẩm sinh của một đứa trẻ cũng khó như việc cố thay đổi thói quen của người bạn đời, bạn có thể giúp bé nhận ra năng lực tiềm ẩn một cách toàn diện bằng cách mang đến cho bé cơ hội trải nghiệm và khám phá những gì phù hợp nhất với bé. Vậy làm thế nào để chúng ta sớm phát hiện ra cá tính của bé? Một vài đặc điểm sẽ hiển nhiên xuất hiện ngay từ khi bé ra đời, một vài đặc điểm khác thì lại xuất hiện khi bé được khoảng 3 - 4 tháng tuổi, và một vài đặc điểm có thể phát triển dần về mức độ theo thời gian. Chẳng hạn như nỗi thất vọng của trẻ sẽ được cải thiện khi trẻ đạt được sự tự tin, hoặc sự hiếu động của bé cũng sẽ giảm dần khi khả năng tập trung của bé tốt hơn. Ngay cả những cá tính khó nhằn nhất vẫn có thể trở nên đơn giản hơn, chẳng hạn như cách bé đối phó với những thăng trầm của cuộc sống và cách tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc cho chính mình – tất nhiên là phải cùng với sự hỗ trợ và hướng dẫn của bạn. Trong khi chờ đợi sự phát triển tự nhiên của bé, bạn có thể sớm nhận ra những đặc điểm tính cách của bé và có thể mang lại những định hướng tốt nhất cho con mình.

1.Tính hiếu động và mức độ vận động

Cần tìm hiểu: Bé có thường cố ngóng nhìn ra thế giới bên ngoài ngay cả khi bé đang được ngồi trên ghế ăn? Hoặc bé có biến việc để mẹ thay tã thành một cuộc vật lộn giữa mẹ và con? Đối phó như thế nào: Nếu trẻ tỏ ra không thích hoạt động nhiều, bạn đừng áp đặt bé vào những trò chơi đòi hỏi vận động thể chất nhiều; thay vào đó, hãy cho trẻ nhiều lựa chọn để luôn khiến bé vận động một cách thoải mái. Ngược lại, các em bé hiếu động lại thường hứng thú với những kích thích. Trẻ có thể biết đi và biết lái xe đạp sớm hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác. Nhược điểm: bạn cần thận trọng về sự an toàn của bé bởi vì những em bé thích hoạt động thường dễ gặp rắc rối; tốt nhất bạn hãy mang tất cả những món đồ chơi tránh xa khi bé tập đi, và nhớ thắt dây an toàn cho bé mỗi khi đặt bé lên bệ thay tã, không bao giờ để bé ngồi một mình trên ghế, cũng như không để bé tự nằm lật một mình. Ưu điểm của những em bé hiếu động là thường ngủ rất ngoan bởi bé đã dành nhiều năng lượng cho các hoạt động của mình!

2. Tính ổn định và điều độ

Cần tìm hiểu: Bé có ăn, ngủ và thậm chí và đi vệ sinh đúng giờ không? Hay bé không bao giờ tuân theo những thói quen mà bạn luôn cố tập cho bé? Đối phó như thế nào: Đối với những em bé luôn sinh hoạt theo đúng giờ giấc, hãy xây dựng thời gian biểu của bạn dựa trên thói quen của bé càng nhiều và càng sớm càng tốt – bé sẽ có cảm giác dễ chịu khi theo thời gian biểu này – và điều này cũng khiến cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn. Khi lớn hơn một chút, bé sẽ bắt đầu thích nghi với những giấc ngủ ngắn thỉnh thoảng bị gián đoạn. Nếu em bé của bạn có một lịch trình sinh hoạt không thể đoán trước, hãy cố gắng để không quá cứng nhắc, nếu không có thể chính bạn sẽ phải phát điên lên vì điều này. Đừng quá ám ảnh về các thói quen của bé, nhưng hãy cố gắng giữ các sinh hoạt này điều độ từ ngày này qua ngày khác. Chẳng hạn, bạn có thể cho bé bú trên cùng một chiếc ghế và thực hiện những động tác nhẹ nhàng kèm theo mà bé rất yêu thích. Và hãy nhớ rằng bạn luôn phải cho bé đi ngủ vào cùng một thời gian cố định – những em bé đang cần được nghỉ ngơi sẽ vô cùng cáu kỉnh khi không được đi ngủ.

3. Tính hòa đồng và xã giao

Cần tìm hiểu: Bé có cười và bi bô bắt chuyện với bất cứ người nào ? Hay dường như em bé của bạn có vẻ sợ người lạ ngay từ khi mới sinh, thậm chí bé sợ hãi cả những cử chỉ yêu thương của ông bà? Đối phó như thế nào: Nếu bạn có một em bé hướng ngoại, hãy cho bé cơ hội tiếp xúc với nhiều người – chẳng hạn như tham gia chơi cùng một nhóm bạn, đi công viên, và cho bé cùng tham gia vào một vài công việc của bạn. Đối với những em bé nhút nhát, đừng cố đẩy bé vào các tình huống xa lạ. Hãy luôn giữ bé bên cạnh bạn cho đến khi bé có vẻ đã sẵn sàng tiếp xúc với người khác – bằng cách thủ thỉ với bé hoặc nếu bé lớn hơn, bạn nên thử để bé ở cạnh bạn, ngồi trên đùi bạn hoặc bò xung quanh. Và đừng lo lắng: mặc dù bé luôn thể hiện một chút dè dặt, nhưng rồi bé sẽ kết bạn – theo đúng mức độ tính cách của bé. Ngay cả em bé dễ gần nhất cũng có thể trải qua những giai đoạn khó khăn – như lo sợ khi gặp người lạ - trong khoảng thời gian bé được 9 tháng tuổi và có thể giảm dần khi bé đựoc khoảng 18 tháng tuổi.

4. Khả năng thích nghi

Cần tìm hiểu: Bé có tỏ ra vui vẻ và thoải mái trong mọi trường hợp không? Hay bé không bao giờ chịu ngủ ở một nơi xa lạ mà không phải là giường cũi của bé, và bé thường từ chối những món ăn mới lạ? Đối phó như thế nào: Một em bé dễ thích nghi là một em bé có thể dễ dàng bắt nhịp được với những thay đổi trong cuộc sống cũng như với những người lạ trong cuộc sống. Đối với các bé này, việc đưa bé đi du lịch hay đi chơi xa sẽ vô cùng thoải mái – bởi bé có thể ngủ trong phòng khách sạn hoặc tại nhà ông bà một cách dễ dàng như được ngủ trong giường cũi của riêng mình. Bạn hãy tận dụng sự linh họat này của bé, nhưng cũng đừng nên ỷ lại vào sự dễ chịu của bé. Ngay cả khi bé dễ dàng quen với người trông trẻ mới, nhưng hãy chắc rằng bé đã hòa nhập với người này trước khi bạn rời khỏi. Nếu bé khó thích nghi hơn, hãy từng bước nhẹ nhàng giới thiệu cho bé những điều mới mẻ trong cuộc sống của bé. Thậm chí những sự thay đổi nhỏ như việc bạn đeo một đôi kính mới hay bố mới cạo râu cũng có thể khiến bé cảm thấy xa lạ và sợ hãi. Khi chuẩn bị cho chuyến đi của gia đình, bạn nên mang theo những đồ vật quen thuộc của bé, chẳng hạn như một tấm chăn, sách, đồ chơi yêu thích hoặc bất cứ thứ gì có thể mang đến cho bé cảm giác như đang được ở nhà.

5. Mức độ thể hiện cảm xúc

Cần tìm hiểu: Bé có thể hiện cảm xúc của mình một cách rõ ràng? Bé có khóc váng lên hay chỉ dám khóc thút thít khi ai đó làm phiền? Đối phó như thế nào: Không có vấn đề gì nếu như bạn không thể dỗ yên được “nữ hoàng mít ướt” của mình, bởi điều đó thật sự rất khó khăn. Đây chính là một cách thể hiện cảm xúc của bé một cách mạnh mẽ. Nếu bạn không thể chịu được nữa, hãy đặt bé vào trong nôi và bỏ đi một lúc. Ưu điểm của những bé có tính cách như thế này là bé có thể trở thành những học sinh xuất sắc do luôn có khả năng dồn hết năng lượng của mình vào mọi việc, kể cả việc học. Cuộc sống dường như có vẻ dễ dàng hơn với một em bé ít thể hiện cảm xúc dữ dội, nhưng bạn phải vất vả hơn để hiểu những gì bé đang suy nghĩ. Hãy chú ý (quan sát các hành động hoặc thái độ chán nản của bé, chẳng hạn như nhìn xa xăm) và nói với bé về cảm xúc này – “Ồ, con không thích ồn ào như thế này phải không” – nhờ đó bé có thể hiểu rằng bạn đang ở bên cạnh và luôn quan tâm đến bé.

6. Tính khí

Cần tìm hiểu: Liệu em bé của bạn có thức dậy với một nụ cười và duy trì nụ cười ấy hầu suốt cả ngày? Hay bé có khuynh hướng cau có, thút thít hay rên rỉ khó chịu? Đối phó như thế nào: Điều gì khiến bạn không thích ở một em bé vui vẻ? Đó là bạn chỉ có thể kết nối với bé bằng cách mang lại niềm vui, thông qua những bài hát hoặc những trò chơi vui nhộn. Đừng cảm thấy bất mãn nếu em bé của bạn tỏ ra cau có nhiều hơn là mỉm cười – điều này không có nghĩa là bé không yêu bạn. Chỉ cần bạn chắc chắn rằng bé không cảm thấy khó chịu hay đau ốm thì bạn có thể yên tâm, nhưng đồng thời bạn cũng nên thường xuyên mang đến cho bé thật nhiều nụ cười và tình yêu thương để giúp bé nhìn thế giới một cách lạc quan hơn. Khi bé lớn hơn và học được cách thể hiện cảm xúc của mình tích cực hơn, những trận khóc dai dẳng của bé sẽ giảm dần. Bí quyết để luôn khiến các em bé này hạnh phúc là bạn phải để bé được là chính mình.

7. Sự xao lãng và mức độ tập trung

Cần tìm hiểu: Bạn có thể dỗ bé một cách nhanh chóng bằng cách thay đổi quang cảnh hoặc đưa cho bé một món đồ chơi mới? Hay thật khó để làm bé dịu đi nếu như không mang đến cho bé chính xác điều mà bé muốn? Đối phó như thế nào: Đó là những cách để bạn dễ dàng làm phân tâm bé trong khi bé đang quấy khóc hoặc giận dữ. Đơn giản chỉ cần mang bé tránh khỏi một món đồ là bé có thể quên nó. Nhưng hãy nhớ rằng những điều này cũng có thể khiến bé bị phân tâm một cách tiêu cực – chẳng hạn, một căn phòng ồn ào có thể làm gián đoạn cơn bú của bé – vì vậy, nếu có thể, hãy giữ sự kích thích này ở mức độ tối thiểu. Nếu bé tập trung tốt hơn, bé có thể không chú ý đến những sự quấy rầy hay cắt ngang của bạn, cả âm thanh của một chiếc máy cắt cỏ cũng không ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa của bé, nhưng bạn cũng nên chuẩn bị những món đồ chơi hoặc núm ti để có thể “dụ dỗ” em bé trong những trường hợp cần thiết.

8. Tính bền bỉ hay cố chấp

Cần tìm hiểu: Bé có dễ dàng bỏ cuộc, ngay cả khi bé đang cố gắng dành lấy một món đồ chơi hoặc cố chống lại việc bị thay tã? Hay bé sẽ òa khóc khi không đạt được món đồ chơi ưa thích hoặc có xu hướng luôn hành động để đạt được mục đích của mình? Đối phó như thế nào: Hãy để em bé bền bỉ của bạn cầm theo chiếc lục lạc của bé khi thay tã, hoặc bạn cũng có thể tiến hành việc thay tã vào bất cứ khi nào bé đang chơi. Bạn có thể giữ cho bé nằm yên để thay tã bằng cách tăng độ phức tạp của các món đồ chơi. |Nếu bé không phải là một em bé bền bỉ, hãy làm ngược lại: Đừng vội đưa cho bé những món đồ chơi để “dụ dỗ”, bởi bạn có rất nhiều cách, nhiều hành động khác nhau để kiểm soát bé.

9. Sự nhạy cảm

Cần tìm hiểu: Bé có có dễ dàng cáu kỉnh trước những sự khiêu khích nhỏ như tiếng ồn, sự đông đúc, một chiếc tã ướt hay chiếc nôi ngủ của bé quá lạnh lẽo? Hay bé rất ít khi tỏ ra khó chịu trước những thay đổi về môi trường xung quanh hay giờ giấc sinh hoạt? Đối phó như thế nào: Đối với những em bé nhạy cảm, hãy giữ cho môi trường xung quanh bé thật êm dịu: ánh đèn dịu nhẹ, nhạc dịu êm và không có quá nhiều người xuất hiện. Trò chuyện với bé bằng một giọng nhẹ nhàng, và tránh hoạt động quá nhiều trước giờ ngủ vì như vậy bé càng khó ngủ hơn. Nếu em bé của bạn “vô tâm vô tư” hơn, hãy kiểm tra bé thường xuyên để đảm bảo rằng tã của bé còn sạch và bé cảm thấy thoải mái. Những đứa trẻ này có thể không phản ứng mạnh khi bị đau hoặc khó chịu. Ngay cả khi bị ốm, bé cũng có xu hướng bơ phờ hoặc ngủ lịm đi thay vì nhăn nhó hay cáu kỉnh.

Bố mẹ cần làm gì?

Bất kể em bé của bạn thuộc khuynh hướng nào thì bạn cũng đừng nên cố gắng nhận biết chính xác điều này ngay từ tháng đầu tiên. Hầu hết những đặc điểm tính cách của bé đều mang lại những điều tích cực nếu như bạn tìm hiểu và cư xử phù hợp với đặc điểm riêng của bé. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là chấp nhận tính cách của bé và giúp bé thích nghi với cuộc sống của mình một cách tốt nhất. Cuối cùng, đó là nhận thức của bạn và cách bạn phản ứng với những đặc điểm tính cách và hành vi của trẻ - điều này sẽ hướng tới một hành trình dài trong việc định hình cho em bé của bạn trở thành một đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc, cũng như những sự điều chỉnh cần thiết sẽ khiến bạn ngày càng hài lòng hơn. Chính tình mẫu tử sẽ khiến bạn luôn muốn cho bé bú, bảo vệ bé trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi bé chưa chào đời, nhưng tình yêu thương thực sự sẽ phát triển mạnh mẽ khi bạn có thể tự mình cảm nhận và ý thức được em bé của mình có thực sự cảm thấy bình yên, an toàn hay không.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More